Con đường sự nghiệp nào cho lập trình viên?
Bài viết được dịch từ blog Coding Horror
Lời bàn của Vinacode:
Dạo gần đây trong cộng đồng lập trình viên Việt Nam lại rộ lên khái niệm về Career Path (con đường sự nghiệp). Bạn có đang thiết lập cho mình một con đường sự nghiệp nào chưa? Nhất là khi bạn đang bước sang cái tuổi “tam thập nhi lập”?
Trong bài viết “Trót theo nghiệp lập trình” thì Lê Hoàng Dũng đã viết như sau:
“Khi bạn gần tuổi 30, bạn đang diễn một vai nào đó trong ngành phát triển phần mềm, có thể là QC, QA hay lập trình viên, và lương bạn trên dưới $1000. Nghĩa là bạn có thể có trong tay hơn 20 triệu một tháng, và như thế đối với nhiều người, bạn đã khá là thành đạt. Và nếu muốn, bạn có thể có nhiều lương hơn nữa. Nhưng liệu bạn có vui không, thì tôi cũng không dám chắc, bởi thước đo của sự thành đạt hoặc hạnh phúc khác với thước đo thu nhập. Kể cả khi, thu nhập chiếm tỷ trọng cao trong hạnh phúc, thì với mức lương đó, nếu bạn sống ở HCM thì cũng chả bõ bèn gì.”
Đúng vậy, theo mình nghĩ thì dù cho bạn có lựa chọn con đường sự nghiệp nào đi chăng nữa, thì điều quan trọng là bạn phải có được hạnh phúc và được làm những việc mà mình thích làm; còn những “nấc thang nghề nghiệp” hiện tại có lẽ chỉ là phù du, và đó chỉ là sản phẩm của tụi làm nhân sự vẽ ra mà thôi.
Bài viết sau đây do Jeff Atwood viết vào thời điểm anh chuyển sang làm cho công ty Vertigo Software (sau này anh nghỉ việc ở Vertigo rồi xây dựng nên StackOverflow.com). Bài viết cũng cho ta thấy cái trăn trở đi tìm hạnh phúc trong công việc của anh. Và trước khi đi vào bài viết này thì mình cũng xin trích lại trăn trở của một lập trình viên Ấn Độ trong bài viết “Những lầm tưởng về lập trình viên Ấn Độ” đã được blog Vinacode đăng trước đây:
“Rao kết luận rằng cảnh ngộ của mình thì giống với một câu chuyện mà anh đã đọc hồi còn bé, câu chuyện kể về hàng ngàn con sâu bướm đang cố trèo qua một bức tường, chiều cao của bức tường đó thì chúng không biết. Chúng cứ trèo mãi, leo mãi, rớt xuống, lại bắt đầu lại, nhưng vẫn cứ tiếp tục trèo. Chúng không biết rằng cuối cùng chúng sẽ có thể bay được.
Anh không thể nhớ câu chuyện đó đã kết thúc như thế nào, nhưng cảm giác những coder của Ấn Độ ngày nay thì cũng giống hệt như những con sâu bướm đó, cứ làm cật lực theo cách của họ trong khi có nhiều cách hay hơn để vươn tới rất nhiều mục tiêu trong cuộc sống…”
Tôi nhớ rất rõ nỗi đau khổ mà cha tôi đã phải trải qua suốt quãng đời sự nghiệp của ông. Ông đã học hành rất vất vả để kiếm được một mảnh bằng MBA (thạc sĩ quản trị kinh doanh) tại một trường đại học danh giá. Tấm bằng đó đã mở ra rất nhiều cơ hội cho ông, nhưng tôi không nghĩ rằng ông đã bao giờ tìm thấy chính xác điều mà ông tìm kiếm. Trong suốt quãng thời gian thơ ấu của tôi, chúng tôi phải chuyển nhà liên tục theo công việc của ông từ nơi này đến nơi khác, chẳng bao giờ ở yên một chỗ nhiều hơn một năm. Tôi không chắc là ông đã tìm thấy công việc mà làm thỏa mãn ông, thậm chí cho đến tận ngày nay. Khi đọc cuốn sách What Color is Your Parachute (Chiếc dù của bạn có màu gì) thì tôi thấy có những hình ảnh của gia đình chúng tôi ở trong đó.
Nó có thể mất một khoảng thời gian dài để nhận ra điều mà bạn muốn làm trong công việc của cuộc đời mình.
Giống như cha mình, tôi cũng đã dành nhiều năm sau khi ra trường để chuyển từ hết công việc này đến công việc khác. Tôi không có điều gì để phàn nàn về nó cả. Tôi đã tạo ra một cuộc sống tuyệt vời. Tôi chẳng bao giờ phải ngồi chờ việc trong một thời gian dài trước khi một vài cơ hội mới xuất hiện. Tôi đã rất thích thú với công việc của mình. Nhưng tôi vẫn chưa lựa chọn được cho mình một con đường sự nghiệp. Tôi đã để cho những thứ ngẫu nhiên quyết định tôi là ai, và cái mà tôi trở thành.
Tại một thời điểm nào đó trong sự nghiệp của bạn, bạn phải chấm dứt việc trôi nổi trong cuộc đời giống như hình ảnh chiếc lông chim trong bộ phim Forrest Gump.
Thật đáng tiếc, tôi không nghĩ là cha tôi đã từng nhận ra điều mà ông yêu thích để làm. Ông chẳng bao giờ quyết định màu sắc của chiếc dù mà ông mang. Nhưng tôi may mắn hơn. Một vài năm trước đây, tôi đã nhận ra cái mà tôi thực sự yêu thích để làm, cái mà tôi thực sự yêu thích để làm nhiều hơn bất kỳ việc nào khác, đó là viết phần mềm và làm trò vui nhộn cùng với những chiếc máy tính. Điều này dường như có vẻ hiển nhiên, tôi biết, nhưng bạn có một lợi thế là bạn không phải là tôi. Việc tự nhận thức bản thân là một vấn đề rất khó cùng với những thứ tận sâu trong trái tim mình.
Cuộc đời thì quá ngắn ngủi để cứ ngồi tại một công việc nơi mà bạn không được làm những thứ mà bạn muốn, nơi mà bạn không thích thú với cả chính bản thân bạn. Và chưa hết, ở chỗ tôi đang làm, tôi đã trở thành một gã mất hết hy vọng trong tình yêu với tất cả những thứ máy tính và phần mềm, làm việc tại một công ty nơi mà phần mềm bị xem như là một món hàng hóa, một trung tâm phí tổn, một con quỷ thiết yếu:
Một người bạn của tôi làm việc cho một công ty mà đã chứng kiến có một cuộc “dứt áo ra đi” lớn của các lập trình viên. Những người giỏi nhất rời đi trước, và những người trung bình cũng đi theo. Ở công ty chỉ còn lại những người mà chỉ đi làm bấm giờ từ 9 giờ sáng đến 5 giờ chiều để lĩnh lương và chẳng cảm thấy tự hào gì về cái mà họ đang xây dựng cả. Công ty giờ đây có cái mà họ đã tự chuốc lấy: một team toàn những tay coder trình độ thấp. Những người từ thuở ban đầu, đầy nhiệt huyết và hoài bão đã rời đi hết rồi.
Các công ty mà xem các lập trình viên là “những thứ hàng hóa và những thợ lành nghề mức thấp” thì đã chịu số phận là chỉ còn lại những lập trình viên trung bình đang làm việc cho họ.
Nói một cách công bằng, đó chỉ là bong bóng phía trên, và những công việc thì vẫn khó để tìm. Công việc ở đó thì cũng thú vị, nhưng có một điều quá rõ ràng là phần mềm không phải là dòng máu nóng chảy trong huyết quản của tổ chức đó. Xu hướng gia công phần mềm sang các nước thuộc thế giới thứ ba đang treo lơ lửng trên đầu. Mặc dù những đồng nghiệp của tôi cũng có trình độ, nhưng không ai trong số họ có một nỗi ám ảnh với phần mềm như tôi. Đam mê của tôi là phần mềm, và mọi thứ xung quanh nó thì rõ ràng không thể chia sẻ cùng với ai.
Tôi quyết định phải thay đổi điều đó. Các công ty sẽ không còn có khả năng lựa chọn tôi từ một loạt những ứng viên giống nhau nữa. Thay vì đó, tôi sẽ lựa chọn các công ty. Các công ty mà tôi tôn trọng, những công ty mà có thể chia sẻ cùng tôi cái đam mê về phần mềm. Với trên 30 năm tuổi cùng những sự khôn ngoan, tôi không còn để cho những cơ hội ngẫu nhiên quyết định con đường sự nghiệp của mình nữa. Tôi sẽ chọn nơi mà tôi muốn làm.
Trong một bài viết gần đây, Joel Spolsky đã mô tả cái triết lý định hướng phía sau trong công ty phần mềm của anh:
Thật ra, lý do chính để tôi phải tạo ra công ty này là để có niềm vui nơi làm việc. Môi trường làm việc tại công ty Fog Creek cố tình được thiết kế để tạo ra sự thoải mái dễ chịu. Chúng tôi bắt đầu xây dựng công ty này bởi vì chúng tôi muốn có một nơi tuyệt vời để làm việc, để dùng tất cả những thời gian ban ngày của mình một cách hiệu quả nhất. Và chúng tôi có một khuynh hướng hơi tham lam để thử làm rất nhiều thứ cho bản thân mình, đặc biệt là nếu nó sẽ tạo ra niềm vui hoặc nếu chúng tôi nghĩ nó giúp chúng tôi có thể làm việc được tốt hơn. Điều đó sẽ khiến chúng tôi phải xây dựng lâu hơn một chút, nhưng tôi nhận ra chuyến hành trình này là một phần thưởng xứng đáng của cuộc đời mình.
Đó chính xác là lý do tại sao tôi lại chọn làm việc tại công ty Vertigo Software. Bởi chúng tôi có cùng triết lý. Tại Vertigo, tôi được bao quanh bởi những kỹ sư phần mềm tài năng đến mức khó tin, những người mà tất cả đam mê của họ là dành cho phần mềm. Và một điều quan trọng là,chết tiệt, chúng tôi có niềm vui.
Nếu bạn yêu phần mềm nhiều như tôi, thì bạn xứng đáng làm việc tại một công ty nơi mà mọi người đến làm việc không phải để ngồi ngóng đồng hồ để về, mà bởi vì họ cũng yêu quý phần mềm. Bạn xứng đáng làm việc tại một công ty nơi mà kỹ nghệ phần mềm được tôn trọng. Bạn xứng đáng làm việc tại một công ty nơi mà những người đồng nghiệp gặp nhau để thích thú xây dựng những phần mềm cùng với nhau.
Chúng ta đang ở trong giai đoạn giữa của một quả bom công nghệ khổng lồ; một số người thậm chí có thể gọi nó là một quả bong bóng công nghệ khác. Những cơ hội thì đầy rẫy.
Hãy lựa chọn một cách khôn ngoan một con đường sự nghiệp cho riêng mình.
– Sưu tầm Vinacode-